Thông tin từ VNX

Thông tin từ VNX

Nhóm tin
Thời gian
Tiêu đề
17/01/2025Triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong quý I/2025
Tiêu đề
Triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong quý I/2025
Ngày đăng tin
15:17 17/01/2025
Một số kết quả hoạt động của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh chính thức được đi vào vận hành với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30. Sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Hà Nội tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm phái sinh mới là HĐTL trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm (năm 2019) và sản phẩm HĐTL TPCP kỳ hạn 10 năm (năm 2021). Đến nay, TTCK phái sinh có 03 sản phẩm với 10 mã giao dịch khác nhau.
Sau gần 08 năm hoạt động, TTCK phái sinh đã có những bước tăng trưởng ấn tượng, nhất là sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 với tăng trưởng bình quân 20,57%/năm trong giai đoạn 2018-2024, trong đó năm 2020 được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao nhất 78,5% so với năm 2019. Riêng năm 2024, tổng khối lượng giao dịch (KLGD) HĐTL chỉ số VN30 đạt 52.759.166 hợp đồng, KLGD bình quân phiên đạt 211.037 hợp đồng giảm 10,32% so với KLGD bình quân phiên năm 2023, giá trị giao dịch (GTGD) bình quân phiên đạt 27.063 tỷ đồng tăng 3,96% so với năm 2023. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của HĐTL chỉ số VN30 từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 45.332 hợp đồng vào cuối năm 2024 (gấp 5,6 lần). KLGD cao nhất trong năm 2024 đạt 420.128 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 16/4/2024 và OI cao nhất là 72.740 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 18/11/2024.
TTCK phái sinh ngày càng thu hút nhà đầu tư (NĐT) tham gia với số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng lên. Tính đến cuối tháng 12/2024, trên TTCK phái sinh đã có 1.865.961 tài khoản, gấp 1,25 lần so với thời điểm cuối năm 2023.
Có thể nói, sau gần 08 năm hoạt động, TTCK phái sinh đã từng bước trở thành kênh phòng ngừa rủi ro quan trọng cho NĐT, đã góp phần giữ chân dòng tiền ở lại TTCK khi thị trường cơ sở sụt giảm, khắc phục tình trạng NĐT tháo chạy như trước đây. Điển hình như giai đoạn thị trường giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19, thanh khoản TTCK phái sinh tăng trưởng đột biến đến 78,5% vào năm 2020 (so với năm 2019). Tuy nhiên, số lượng sản phẩm trên TTCK phái sinh còn ít, các sản phẩm HĐTL TPCP thanh khoản chưa cao khiến NĐT có xu hướng tập trung vào giao dịch một sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết có thêm các sản phẩm phái sinh khác trên chỉ số, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trên TTCK phái sinh.
Lựa chọn HĐTL chỉ số VN100 để đưa vào giao dịch trong Quý I/2025
Kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng cho thấy nhiều thị trường bên cạnh các sản phẩm HĐTL trên các rổ chỉ số có số lượng cổ phiếu thành phần nhỏ (như Topix Core30, FTSE TWSE Taiwan 50, FTSE Bursa Malaysia KLCI, CAC 40, MSCI Singapore …) thì đều đưa vào giao dịch thêm các sản phẩm HĐTL các chỉ số có số lượng cổ phiếu thành phần lớn hơn (như Nikkei 225, TPEX 200, S&P/ASX 200, FTSEurofirst 100, KRX 300) nhằm tạo sự khác biệt so với sản phẩm hiện hành để đa dạng hóa sản phẩm, tránh tập trung vào một sản phẩm duy nhất trên thị trường. Hiện tại Việt Nam đã có HĐTL dựa trên rổ chỉ số nhỏ là chỉ số VN30 nên việc ra mắt sản phẩm HĐTL chỉ số có thành phần rổ chỉ số lớn hơn như chỉ số VN100 là phù hợp với xu hướng nhiều nước trên thế giới.
Bảng 1: Tổng hợp thông tin về các chỉ số được sử dụng làm tài sản cơ sở cho HĐTL
Quốc gia Quy mô chỉ số Chỉ số SL cổ phiếu thành phần
Nhật Bản Chỉ số có số cổ phiếu thành phần lớn Nikkei 225 225
Chỉ số có số cổ phiếu thành phần nhỏ Topix Core30 30
Đài Loan Chỉ số có số cổ phiếu thành phần lớn TPEX 200 200
Chỉ số có số cổ phiếu thành phần nhỏ FTSE TWSE Taiwan 50 50
Australia Chỉ số có số cổ phiếu thành phần lớn S&P/ASX 200 200
Pháp Chỉ số có số cổ phiếu thành phần lớn FTSEurofirst 100 100
Chỉ số có số cổ phiếu thành phần nhỏ CAC 40 40
Hàn Quốc Chỉ số có số cổ phiếu thành phần lớn KRX 300 302
Chỉ số có số cổ phiếu thành phần lớn KOSPI 200 199
Chỉ số có số cổ phiếu thành phần lớn KOSDAQ 150 153
Nguồn: Tổng hợp từ các website chỉ số
Bên cạnh đó, Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) trong báo cáo về “Chỉ số chứng khoán và sản phẩm phái sinh trên chỉ số” năm 2003 cũng đã đã đưa ra các khuyến nghị trong xây dựng và thiết kế các sản phẩm phái sinh và lựa chọn tài sản cơ sở là chỉ số như (i) Số lượng cổ phiếu thành phần đủ lớn và giảm thiểu ảnh hưởng của các cổ phiếu có liên quan để đảm bảo sự biến động giá của một vài cổ phiếu không gây ảnh hưởng lớn đến cả chỉ số; (ii) Tăng tính phân tán của các cổ phiếu thành phần cùng lĩnh vực hoặc ngành nghề; (iii) Đảm bảo tính thanh khoản của các mã chứng khoán thành phần; (iv) Áp dụng tỷ trọng vốn hóa tối đa của các cổ phiếu thành phần, v.v.
Trong các chỉ số hiện hành, chỉ số VN100 cơ bản đáp ứng các điều kiện nêu trên, cụ thể: Chỉ số VN100 có số lượng cổ phiếu thành phần và tính đại diện cao hơn VN30; có thời gian hoạt động tương đối dài và đảm bảo tính ổn định của chỉ số (VN100 hoạt động từ năm 2014); đã có quỹ mô phỏng (Quỹ ETF VINACAPITAL VN100 và Quỹ ETF IPAAM VN100 mô phỏng VN100). Giá trị vốn hóa của 10 doanh nghiệp niêm yết thuộc rổ chỉ số VN100 đạt mức thấp nhất so với các chỉ số VN30 và VNX50, do đó ít chịu ảnh hưởng nhất do biến động của top 10 cổ phiếu so với các chỉ số còn lại…
Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các Sở GDCK, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đánh giá việc triển khai HĐTL chỉ số VN100 ở giai đoạn hiện nay là cần thiết, phù hợp với nhu cầu của thị trường và Lộ trình phát triển các sản phẩm trên TTCK đến năm 2025 đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như giải pháp đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK phái sinh trong Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.   
Các đặc tính của sản phẩm HĐTL chỉ số VN100
Mẫu HĐTL chỉ số VN100 được thiết kế tương tự như HĐTL chỉ số VN30, đã được cơ quan quản lý nhà nước là UBCKNN phê duyệt tại Công văn số 3520/UBCK-PTTT ngày 04/06/2024, sau đó, được các Sở GDCK (Sở GDCK Việt Nam và Sở GDCK Hà Nội), VSDC công bố trên các trang thông tin điện tử. Mẫu HĐTL chỉ số VN100 có một số nội dung cơ bản sau:
 - Tài sản cơ sở: Tài sản cơ sở của HĐTL chỉ số VN100 là chỉ số VN100. Hiện nay, chỉ số VN30 và VN100 đều được lọc từ bộ chỉ số tổng là VN Allshare Index (VNALL). Trong đó, VN100 được cấu thành từ chỉ số VN30 và VNMidcap. Cụ thể, sau khi xác định được rổ VN30, các cổ phiếu thành phần của VNAllshare không bao gồm 30 cổ phiếu thành phần của rổ VN30 được xếp theo thứ tự giảm dần về GTVH và được chọn vào rổ VNMidcap (gồm 70 cổ phiếu) theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Bộ Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ Chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0, ban hành theo Quyết định số 747/QĐ-SGDHCM ngày 30/12/2024 của Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Sở GDCK Tp.HCM.
- Quy mô hợp đồng: 100.000 đồng × điểm chỉ số VN100 với hệ số nhân của hợp đồng là 100.000; được xác định tương tự như quy mô của HĐTL chỉ số VN30.
- Tháng đáo hạn: Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, mỗi tháng cuối 02 quý tiếp theo.
- Biên độ dao động giá: +/-7% so với giá tham chiếu, tương tự như HĐTL chỉ số VN30 và trùng với biên độ giá trên thị trường cơ sở tại Sở GDCK Tp.HCM.
- Ngày giao dịch cuối cùng: Ngày Thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn, trường hợp trùng ngày nghỉ sẽ được điều chỉnh lên ngày giao dịch liền trước đó.
- Phương thức thanh toán: thanh toán bằng tiền.
- Giới hạn lệnh là 500 hợp đồng/lệnh.
- Quy định về mức ký quỹ, giới hạn vị thế: sẽ được VSDC xác định và công bố sau khi hợp đồng mẫu được chấp thuận.
- Giá thanh toán cuối cùng: Là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.
MẪU HỢP ĐỒNG TƯƠNG LAI CHỈ SỐ VN100
TT Điều khoản Mô tả
1 Tên hợp đồng Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN100
2 Mã giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thực hiện cấp mã giao dịch hợp đồng tương lai đảm bảo cấu trúc mã giao dịch theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
3 Tài sản cơ sở Chỉ số VN100
4 Quy mô hợp đồng 100.000 đồng × điểm chỉ số VN100
5 Hệ số nhân hợp đồng 100.000 đồng
6 Ngày niêm yết Quý I/2025
7 Phương thức giao dịch Phương thức khớp lệnh và Phương thức thỏa thuận
8 Tháng đáo hạn Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, mỗi tháng cuối 02 quý tiếp theo.
Ví dụ: tháng hiện tại là tháng 4. Các tháng đáo hạn là tháng 4, tháng 5, tháng 6 và tháng 9
9 Thời gian giao dịch Mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút
Đóng cửa: cùng thị trường cơ sở
10 Bước giá /Đơn vị yết giá 0,1 điểm chỉ số
11 Đơn vị giao dịch 1 hợp đồng
12 Giá tham chiếu Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết
13 Biên độ dao động +/-7% so với giá tham chiếu
14 Giới hạn lệnh 500 hợp đồng/lệnh
15 Giới hạn vị thế Theo quy định của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam
16 Ngày giao dịch cuối cùng Ngày Thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn, trường hợp trùng ngày nghỉ sẽ được điều chỉnh lên ngày giao dịch liền trước đó
Mặc dù, mẫu HĐTL chỉ số VN100 được thiết kế cơ bản giống mẫu HĐTL chỉ số VN30, tuy nhiên sự khác biệt về tài sản cơ sở đem đến những điểm khác biệt như: (i) chỉ số VN100 vượt trội hơn chỉ số VN30 về tính đại diện. So với chỉ số VN30 về GTVH, VN100 đại diện cho khoảng 89,11% GTVH toàn thị trường cổ phiếu niêm yết (trong khi chỉ số VN30 đại diện cho 69,37%); (ii) GTVH của 10 doanh nghiệp niêm yết có GTVH lớn nhất thuộc chỉ số VN30 và VN100 lần lượt đạt 60,12% và 46,8% (số liệu tính đến cuối năm 2024) cho thấy chỉ số VN100 ít chịu ảnh hưởng hơn bởi biến động của top 10 các cổ phiếu có GTVH lớn nhất thị trường, điều này góp phần hạn chế những biến động bất thường của HĐTL chỉ số và chỉ số cơ sở.
Dựa trên những đánh giá nêu trên, Sở GDCK Việt Nam kỳ vọng, sản phẩm HĐTL chỉ số VN100 dự kiến ra mắt trong quý I.2025 sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và nhà đầu tư cũng như thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của TTCK phái sinh tại Việt Nam./.
17/01/2025Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai quy định về giám sát giao dịch và công bố thông tin
Tiêu đề
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai quy định về giám sát giao dịch và công bố thông tin
Ngày đăng tin
10:30 17/01/2025
Ngày 10/01/2025, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai quy định về báo cáo giám sát theo quy định tại Thông tư số 95/2020/TT-BTC và công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh quy định tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC tại các thành viên giao dịch. Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (TTCK), Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện của thành viên giao dịch trên TTCK Việt Nam.
Từ ngày 01/01/2020, Luật Chứng khoán đã quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên giao dịch trong việc giám sát các giao dịch chứng khoán do khách hàng thực hiện tại các công ty chứng khoán. Căn cứ vào đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã xây dựng các chỉ tiêu báo cáo giám sát làm cơ sở cho công tác giám sát giao dịch tại các thành viên nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Sau một thời gian triển khai, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã tiếp thu ý kiến đóng góp từ các thành viên giao dịch và điều chỉnh các nội dung báo cáo giám sát sao cho phù hợp với thực tế thị trường cũng như các quy định pháp luật hiện hành. Việc sửa đổi này nhằm thay thế các quy định tại phụ lục 13 Quy chế thành viên, có hiệu lực từ 01/01/2022.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng sẽ phải thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh, phù hợp với yêu cầu mới tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và sự hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam với thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh rằng, để TTCK bắt đầu được vận hành khách quan, công bằng, hiệu quả, không bị sai lệch, công tác giám sát TTCK cần phải tiếp tục hoàn thiện, khung pháp lý về giám sát giao dịch đã có những thay đổi đáng kể, trong đó cũng đã quy định về vai trò của các đơn vị như UBCK, các Sở GDCK, công ty chứng khoán, phối hợp giữa các cơ quan phân quyền rõ ràng đảm bảo tính thống nhất cũng như chủ động trong công tác giám sát để phù hợp với thực tế phát triển của TTCK. Đây là các nghĩa vụ của thành viên giao dịch đối với nhà nước, cũng như trách nhiệm của họ đối với thị trường và chính hoạt động quản trị của từng thành viên, đồng thời cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con theo quy định của pháp luật.
Ông cũng chia sẻ rằng hoạt động giám sát giao dịch là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên giao dịch và cơ quan quản lý. Mặc dù đã cố gắng thiết kế các mẫu báo cáo ở mức tối thiểu nhưng vẫn cần có đầy đủ mẫu báo cáo để đảm bảo thông tin cho công tác giám sát.
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cũng bày tỏ vui mừng trước tinh thần nghiêm túc của các công ty chứng khoán trong việc triển khai công tác giám sát giao dịch. Hội nghị lần này không chỉ là cơ hội để các thành viên giao dịch hiểu rõ hơn về các quy định mới mà còn là dịp để trao đổi, lắng nghe ý kiến đóng góp từ các thành viên nhằm hoàn thiện quy định, từ đó xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch, phát triển ổn định và bền vững, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
03/01/2025Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025
Tiêu đề
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025
Ngày đăng tin
10:22 03/01/2025
Trong không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới 2025, sáng ngày 02/01/2025, đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài đã tham dự và chỉ đạo tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025.
Đây là buổi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm mới nhằm khích lệ tinh thần công chúng đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và các thành viên thị trường.  
Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính, đồng chí Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đồng chí Lương Hải Sinh – Chủ tịch HĐTV Sở GDCK Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBCKNN, Tổng công ty Lưu ký & Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), Sở GDCK Việt Nam, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP.HCM, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch, thành viên thị trường cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Ngay trước giờ mở cửa thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán năm 2025. Tiếng cồng giòn giã vang lên thể hiện ý chí, niềm tin và nỗ lực thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và ngày càng bền vững. 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của UBCKNN, các Sở GDCK, VSDC, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch, thành viên thị trường và công chúng đầu tư đã chung sức, đồng lòng ủng hộ và chia sẻ cùng với cơ quan quản lý vận hành thị trường vượt qua những khó khăn để phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định trong năm 2024.
Năm 2024 là một năm khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, TTCK mặc dù chịu áp lực lớn từ tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán quốc tế nhưng vẫn hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và ghi nhận những kết quả nổi bật nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, cùng sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Trong đó, chỉ số VNIndex đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm trước, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.080,26 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm trước, tương đương 70% GDP năm 2023 với 720 mã cổ phiếu niêm yết và 886 cổ phiếu đăng ký giao dịch, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.849 tỷ đồng/phiên, tăng 18,6% so với bình quân năm trước. Các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đã huy động gần 10 nghìn tỷ đồng vốn qua TTCK, khẳng định TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tính đến cuối tháng 11/2024 đạt hơn 9,16 triệu tài khoản, tăng 26% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường trái phiếu, hoạt động đấu thầu TPCP đã huy động cho KBNN trên 330.375,5 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch năm 2024, thanh khoản thị trường tăng 80,7%, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.767 tỷ đồng/phiên.
Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục được vận hành an toàn, ổn định, KLGD HĐTL chỉ số VN30 đạt 211.037 hợp đồng/phiên.  
Hệ thống giao dịch TPDNRL sau hơn 01 năm đi vào hoạt động đã luôn được vận hành an toàn, ổn định, thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch TPDNRL bình quân đạt 4.336 tỷ đồng/phiên.
Bước sang năm 2025, là một năm có những dấu mốc quan trọng, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, năm kỷ niệm 80 năm thành lập nước, đồng thời đối với ngành tài chính và TTCK cũng có những sự kiện quan trọng, kỷ niệm 80 năm thành lập ngành tài chính và 25 năm TTCK tổ chức vận hành. Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là khai thông các nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng của đất nước để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế với những bước phát triển đột phá và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành chứng khoán nỗ lực không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để TTCK Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho NSNN, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Để hoàn thành các mục tiêu đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu gồm:
- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó năm 2025 TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
- Đảm bảo tổ chức vận hành TTCK liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các Sở GDCK và Tổng công ty Lưu ký & Bù trừ Chứng khoán Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.
- Sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm mới, chỉ số khác, thị trường mới, dịch vụ mới trên thị trường, nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon thứ cấp và thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
- Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và nghĩa vụ công bố thông tin.
- Chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà đầu tư cá nhân; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhà đầu tư, thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
- Chủ động trong công tác hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam và các TTCK trong khu vực và thế giới.
Thay mặt lãnh đạo ngành chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương lĩnh hội thông điệp, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành chứng khoán quán triệt và tập trung toàn tâm, toàn lực tổ chức triển khai giải pháp xây dựng TTCK, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK vào năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chủ tịch UBCKNN tin tưởng rằng với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, cùng những giải pháp quan trọng của Chính phủ, TTCK sẽ tiếp tục phát triển ngày càng công khai, minh bạch.
Có thể nói, Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025 đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Bộ ngành Trung ương, địa phương, Lãnh đạo UBCKNN và sự quan tâm của các doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư. Điều đó thể hiện niềm tin TTCK năm 2025 sẽ có những phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, hiệu quả và bền vững cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ, góp phần đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.
30/12/2024Công bố thông tin định kỳ
Tiêu đề
Công bố thông tin định kỳ
Ngày đăng tin
16:28 30/12/2024
Thực hiện quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp trong đó có việc công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cập nhật công bố thông tin định kỳ về “Báo cáo mục tiêu tổng quát, kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam”. Chi tiết tại file đính kèm.

- File đính kèm:
17/12/2024Sở GDCK Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Tiêu đề
Sở GDCK Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày đăng tin
07:30 17/12/2024
Ngày 12/12/2024, tại trụ sở, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tham dự hội nghị có Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài chính (Vụ Tài chính ngân hàng; Văn phòng, Cục Kế hoạch tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Tin học - Thống kê, Cục Quản lý giám sát, kế toán kiểm toán, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Kho bạc Nhà nước); Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc  UBCKNN (Văn phòng, Vụ Phát triển thị trường, Vụ Quản lý kinh doanh, Vụ giám sát thị trường, Vụ Giám sát công ty đại chúng; Thanh tra); Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), Đại diện lãnh đạo Sở GDCK Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX).
Về phía Sở GDCK Việt Nam có tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ và người lao động của VNX.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo VNX đã trình bày Báo cáo kết quả công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của VNX.
Trong năm 2024, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN và sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các đơn vị có liên quan, VNX đã luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN, hoàn thành các nhiệm vụ trong việc: (1) Điều hành vận hành thị trường giao dịch an toàn, ổn định, cơ bản thông suốt; (2) Tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy trình tạo sự đồng bộ thống nhất về hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch; tổ chức giao dịch; quản lý thành viên; công bố thông tin; (3) Công tác nghiên cứu, cải tiến các bộ chỉ số chứng khoán, việc sửa đổi bổ sung bộ quy tắc chỉ số VN30, phát triển sản phẩm HĐTL chỉ số VN100 có các kết quả nhất định, góp phần đa dạng hóa sản phẩm đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm; (4) Công tác thẩm định hồ sơ đăng ký thành viên được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; Thực hiện các công tác quản lý, giám sát, kiểm tra thành viên định kỳ nghiêm túc, kịp thời phát hiện các vi phạm; (5) Chủ động triển khai và phối hợp chặt chẽ với UBCKNN trong công tác giám sát tuân thủ, giám sát giao dịch, xử lý giao dịch nghi vấn, xử lý vi phạm; (6) Đã tích cực tham gia chỉ đạo Chủ đầu tư và điều phối hoạt động giữa các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống CNTT mới; (7) Tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn; thực hiện việc sắp xếp bộ máy các công ty con đi kèm với việc từng bước kiện toàn nhân sự lãnh đạo các cấp. Công tác quản lý tài chính, tài sản đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật; việc chi tiêu đảm bảo tính hiệu quả. Vốn nhà nước đầu tư tại VNX và các công ty con được bảo toàn và phát triển. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, các vấn đề tồn tại trong năm 2024.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được cũng như các khó khăn vướng mắc, VNX đã có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính, UBCKNN về hoạt động nghiệp vụ; Đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT chuyên biệt dùng cho hoạt động nghiệp vụ; Tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan cùng VNX trong công tác triển khai dự án CNTT mới cho thị trường. Đồng thời, trên cơ sở bám sát chương trình công tác của Bộ Tài chính, UBCKNN, VNX đã đề xuất chương trình công tác trọng tâm của VNX trong năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính, VSDC, HNX, HOSE thống nhất cao với báo cáo của VNX, chúc mừng và đánh giá cao kết quả đạt được của VNX trong năm 2024, ghi nhận sự phối hợp tích cực với cơ quan quản lý, các Sở GDCK, VSDC trong hoạt động chuyên môn, quản trị nội bộ. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên những hạn chế, khó khăn chung cần khắc phục để phát triển thị trường chứng khoán.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN đã ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà VNX đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam gặt hái được những thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Tài chính giao trong năm 2024. Về kế hoạch triển khai trong năm 2025, Bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN đã đề nghị VNX tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
(1) Bảo đảm việc vận hành giao dịch tại các Sở GDCK an toàn, ổn định, thông suốt.
(2) VNX, HOSE, HNX, VSDC chủ động tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi; VNX rà soát, hoàn thiện để ban hành các quy chế theo chức năng.
(3) Các Sở GDCK và VSDC đưa hệ thống CNTT mới vào vận hành. Song song với đó là nghiên cứu, nâng cấp, phát triển hệ thống CNTT, hệ thống giao dịch mới để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu giao dịch khi nâng hạng thị trường.
(4) VNX và các công ty con tăng cường tính chủ động, báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc, dự đoán các phát sinh vướng mắc khi nâng hạng thị trường, khi hệ thống CNTT mới đi vào hoạt động để tham gia góp ý với UBCKNN, Bộ Tài chính, Chính phủ khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
(5) VNX cùng các công ty con nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới cho thị trường: (i) triển khai đưa chỉ số VN30; HĐTL VN100 triển khai trong Quý I/2025; (ii) báo cáo UBCKNN, Bộ Tài chính về phương án phân loại cổ phiếu niêm yết; (iii) phát triển các sản phẩm mới, chỉ số khác, thị trường mới (thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEs, thị trường khởi nghiệp sáng tạo…).
(5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhất là công tác giám sát từ công ty chứng khoán.
(6) Tăng cường công tác tuyên truyền về thị trường chứng khoán, đào tạo nhà đầu tư, thành viên thị trường.
Thay mặt Ban lãnh đạo VNX, Ông Lương Hải Sinh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNX đã tiếp thu các các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBCKNN và góp ý của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, cảm ơn lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN vì đã tin tưởng và có những chỉ đạo sát sao cho VNX trong năm 2024 cũng như đã đưa ra những định hướng hoạt động cho VNX trong năm 2025. Với tinh thần quyết tâm và đồng lòng, tập thể VNX tin tưởng dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, UBCKNN, sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, UBCKNN cùng sự đồng hành của các Sở GDCK, VSDC, VNX sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, góp phần tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
02/12/2024Công bố thông tin bất thường
Tiêu đề
Công bố thông tin bất thường
Ngày đăng tin
08:15 02/12/2024
Thực hiện quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp trong đó có việc công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam công bố thông tin bất thường như sau:
Ngày 29/11/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/11/2024 do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp.
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trân trọng thông báo./.

- File đính kèm:
29/11/2024Cảnh báo về việc mạo danh, sử dụng logo, hình ảnh của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Tiêu đề
Cảnh báo về việc mạo danh, sử dụng logo, hình ảnh của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Ngày đăng tin
09:27 29/11/2024
Qua rà soát, Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Việt Nam có được thông tin trên các trang facebook về việc mạo danh, sử dụng logo, hình ảnh của Sở GDCK Việt Nam để quảng cáo tham gia các nhóm zalo về giảng dạy chứng khoán, kêu gọi tham gia các lớp giảng dạy đầu tư chứng khoán có hình ảnh của Ông Cấn Văn Lực, Ông Phạm Lê Thái trên các trang có tên Stock exchange, Investment teaching, Giảng dạy chứng khoán, Câu lạc bộ chứng khoán, Thai Pham.
Bằng Thông báo này, Sở GDCK Việt Nam khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, Sở GDCK Việt Nam cùng các Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh, Sở GDCK Hà Nội không mời gọi tham gia vào bất cứ chương trình giảng dạy, nhóm đầu tư chứng khoán nào. Sở GDCK Việt Nam khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng và tìm hiểu kỹ trước các lời mời tham gia đầu tư chứng khoán, tránh bị lừa đảo trong hoạt động giao dịch chứng khoán.

Để tham khảo các thông tin của Sở GDCK Việt Nam, nhà đầu tư vui lòng truy cập cổng thông tin chính chức của Sở GDCK Việt Nam tại địa chỉ: https://vietnamexchange.vn.
Trân trọng thông báo!
25/11/2024Các Sở GDCK khu vực ASEAN ký Biên bản hợp tác (MOU) hợp tác về sản phẩm Chứng chỉ Lưu ký (DR)
Tiêu đề
Các Sở GDCK khu vực ASEAN ký Biên bản hợp tác (MOU) hợp tác về sản phẩm Chứng chỉ Lưu ký (DR)
Ngày đăng tin
16:27 25/11/2024
Ngày 21/11/2024, các Sở GDCK khu vực ASEAN (Sở GDCK Indonesia, Sở GDCK Bursa Malaysia, Sở GDCK Philippines, Sở GDCK Singapore, Sở GDCK Thái Lan, Sở GDCK Việt Nam) đã ký Biên bản hợp tác (MOU) hợp tác về sản phẩm Chứng chỉ lưu ký (Depositary Receipts - DR), tăng cường cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong khu vực.
MOU đánh dấu bước tiến trong việc thúc đẩy ASEAN trở thành trung tâm đầu tư hấp dẫn. Sự hợp tác này nhằm phát triển thị trường, chia sẻ thông tin, hỗ trợ giới thiệu và làm việc với các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia ngành chứng khoán; và hợp tác quảng bá các công ty niêm yết trên các Sở GDCK.
Đại diện Sở GDCK Việt Nam, Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Việt Nam đã tham gia ký kết MOU cùng đại diện các Sở GDCK khu vực ASEAN.
Sau khi ký kết MOU, đã diễn ra phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo chia sẻ vai trò của các Sở GDCK khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy tăng trưởng khu vực với các thành viên của Liên đoàn các Sở GDCK thế giới (WFE). Các Sở GDCK đã nhấn mạnh những bước phát triển gần đây trong việc cải thiện tính hiệu quả của việc tăng vốn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa sản phầm đầu tư cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các Sở GDCK khu vực ASEAN cũng thảo luận về những sáng kiến chung nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực, tập trung vào sự phát triển bền vững và kết nối thị trường trong khu vực.
Các Sở GDCK khu vực ASEAN cảm ơn WFE và thành viên WEF vì đã có mặt chứng kiến lễ ký MOU và thể hiện sự quan tâm trong phiên thảo luận.  
18/11/2024Vinh danh các doanh nghiệp đoạt giải Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2024
Tiêu đề
Vinh danh các doanh nghiệp đoạt giải Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2024
Ngày đăng tin
15:47 18/11/2024
(TP Đà Lạt, ngày 16 tháng 11 năm 2024) Bốn mươi bốn doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất trong minh bạch thông tin năm 2024 đã được vinh danh tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) lần thứ 17 – năm 2024 vừa diễn ra tại Khách sạn Merperle Dalat.
Sự kiện được tổ chức kết hợp với Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết thường niên năm 2024 với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; lãnh đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và đại diện gần 300 công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính khác trên thị trường.
Bước sang năm thứ 17, VLCA 2024 tiếp tục khẳng định vị thế là sự kiện uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuộc bình chọn không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh những doanh nghiệp niêm yết có nỗ lực vượt bậc trong việc báo cáo và công bố thông tin, thực hiện các quy định, thông lệ tốt về quản trị, thực hành tốt về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) tại doanh nghiệp mà còn là nền tảng thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới các chuẩn mực quản trị tiên tiến, minh bạch thông tin và phát triển bền vững.

 
Sau gần 6 tháng bình chọn, vượt qua hơn 500 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn được 44 doanh nghiệp xuất sắc ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững để chính thức vinh danh (Xem danh sách các DN đoạt giải đính kèm).
Đối với hạng mục Báo cáo thường niên (BCTN):
Năm 2024 là năm thứ hai VLCA áp dụng việc đăng ký tham gia ở hạng mục BCTN. Theo đó, có 96 doanh nghiệp niêm yết đăng ký và đạt đủ điều kiện tham dự. Hội đồng bình chọn đã chọn ra 30 doanh nghiệp xuất sắc nhất để vinh danh, gồm 10 doanh nghiệp tài chính và 20 doanh nghiệp phi tài chính.
Bộ tiêu chí đánh giá tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Điểm trung bình các báo cáo được chấm năm 2024 đạt 72,16 điểm, tăng nhẹ khoảng 5,19% so với năm 2023. Phần lớn báo cáo thường niên đạt điểm từ 70 – 90 điểm, đáng chú ý tỷ lệ doanh nghiệp có báo cáo đạt điểm cao từ 80-90 điểm tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Qua đó, mặc dù số lượng báo cáo thường niên năm 2024 đăng ký tham dự giải giảm xuống, nhưng mặt bằng chất lượng năm nay đồng đều hơn.
Đối với nhóm Tài chính với số lượng báo cáo tham gia chấm không biến động nhiều, điểm trung bình đạt 74,32 điểm (tăng 2,30% so với năm 2023), điểm cao nhất đạt 93,79 điểm (tăng 3,44% so với năm 2023). Đối với nhóm Phi Tài chính với số lượng báo cáo giảm, điểm trung bình đạt 71,39 điểm (tăng 5,70% so với năm 2023), điểm cao nhất đạt 93,41 điểm (tăng 2,70% so với năm 2023).
Các doanh nghiệp tài chính tập trung vào công bố rủi ro, mô hình quản trị rủi ro, đánh giá nợ xấu và sử dụng vốn hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp phi tài chính lại nổi bật với các sáng kiến phát triển bền vững như tiết kiệm năng lượng, quản lý nguồn tài nguyên và tái sử dụng nguyên vật liệu. Điều này phản ánh rõ đặc thù kinh doanh và mục tiêu phát triển dài hạn của từng nhóm ngành.
Kết quả đánh giá Báo cáo thường niên – VLCA 2024
(Nguồn: Báo cáo kết quả của VIOD – đơn vị chấm điểm vòng sơ khảo)
Về việc lập Báo cáo thường niên bằng Tiếng Anh vẫn còn hạn chế, cụ thể năm 2024 có 36/96 doanh nghiệp tham gia giải có Báo cáo thường niên bằng Tiếng Anh, chiếm 37,50% tổng số lượng báo cáo được đánh giá. So với năm 2023, số lượng báo cáo Tiếng Anh năm nay giảm 02 báo cáo, tuy nhiên, tỷ lệ tăng nhẹ (Năm 2023, có 38/116 báo cáo thường niên Tiếng Anh, tỷ lệ 32,76%).
Năm 2024 là năm thứ hai bộ tiêu chí đánh giá báo cáo thường niên gồm câu hỏi bắt buộc về việc công bố thông tin tác động môi trường của công ty. Năm nay, số lượng báo cáo đề cập giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính giảm nhẹ so với năm ngoái do số lượng tham gia giảm. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ số báo cáo công bố nội dung này trên tổng số báo cáo tham gia, các tỷ lệ này đều tăng, cho thấy nhiều doanh nghiệp tham gia hạng mục có sự đầu tư trình bày về nội dung môi trường – xã hội trên báo cáo thường niên nhằm truyền tải thông tin của doanh nghiệp cho cổ đông và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy nhiều điểm yếu cần cải thiện. Về nội dung quản trị công ty, đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức tuân thủ, công bố thông tin theo luật định mà chưa tự nguyện áp dụng theo thông lệ tốt nhất về quản trị công ty. Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm, nhiều báo cáo trình bày chưa rõ nét vị thế của doanh nghiệp cũng như đánh giá liên quan đến các chỉ tiêu môi trường. Phần báo cáo/ đánh giá của ban giám đốc còn chưa đầy đủ. Thông tin về môi trường xã hội cộng đồng, mục tiêu phát triển bền vững, thông tin về phát thải khí nhà kính còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp có báo cáo thường niên bằng Tiếng Anh chưa có sự tăng trưởng so với các năm trước.
Đối với hạng mục Quản trị công ty (QTCT): 107 doanh nghiệp có tình hình quản trị công ty tốt nhất được chọn vào vòng chung khảo, phân theo từng nhóm vốn hóa. Trong đó, 37 DN thuộc nhóm vốn hóa lớn, 34 DN thuộc nhóm vốn hóa vừa và 36 DN thuộc nhóm vốn hóa nhỏ. Tại vòng chung khảo, Hội đồng bình chọn đã chọn ra 26 doanh nghiệp xuất sắc nhất để trao giải.
Năm 2024 đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác đánh giá giải QTCT, qua việc cập nhật bộ câu hỏi theo các thông lệ mới nhất (Bộ nguyên tắc về QTCT của OECD tháng 10/2023), và thay đổi cơ cấu điểm chấm theo hướng nâng tỷ trọng điểm thông lệ lên 40% (thay vì 30% như những năm trước), và giảm điểm tuân thủ từ 70% xuống còn 60%, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn các thông lệ quốc tế về QTCT, nâng cao tiêu chuẩn về quản trị vượt lên trên mức tuân thủ.
Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng QTCT được xây dựng theo hai cấp độ: Thứ nhất, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về QTCT dành cho công ty đại chúng và; thứ hai, áp dụng các thông lệ tốt về QTCT. Năm 2024, với sự thay đổi trong cơ cấu điểm chấm, kết quả điểm của các doanh nghiệp cũng có sự thay đổi:
(Nguồn: Báo cáo kết quả của VIOD – đơn vị chấm điểm vòng sơ khảo)
Trong những doanh nghiệp vào vòng chung khảo, kết quả đánh giá QTCT không cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa nhóm vốn hóa lớn và vừa. Tuy nhiên, so với nhóm vốn hóa nhỏ, khoảng cách này rõ rệt hơn, thể hiện qua mức điểm bình quân của nhóm vốn hóa lớn và vừa.
Kết quả cuối cùng vinh danh 26 doanh nghiệp có thực hành quản trị xuất sắc, khẳng định nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả quản trị.
Trong nhóm 26 doanh nghiệp được trao giải, các doanh nghiệp vốn hóa lớn vẫn có kết quả vượt trội so với 2 nhóm còn lại và nhóm doanh nghiệp vốn hóa nhỏ cần cố gắng hơn nữa để bắt kịp với 2 nhóm trên trong việc hoàn thiện thực hành và công bố quản trị công ty.
Điểm nhấn đáng chú ý của năm 2024 là sự gia tăng 40% số lượng doanh nghiệp lập và công bố báo cáo phát triển bền vững (PTBV) theo các tiêu chuẩn quốc tế như GRI, Báo cáo Tích hợp, SASB, và ISSB (tích hợp TCFD), so với năm 2023.
Khi áp dụng các chuẩn mực báo cáo quốc tế này, các DN đều công bố rõ các chủ đề ESG trọng yếu gắn liền với chiến lược cốt lõi của tổ chức, với sự tham gia đóng góp của các bên hữu quan, cả nội bộ và bên ngoài DN. Đáng chú ý, chiếm một tỷ lệ không nhỏ các DN có các vấn đề PTBV được giám sát bởi ủy ban cấp HĐQT hoặc thành viên HĐQT được chỉ định. HĐQT của các DN đạt giải đã đi đầu trong việc thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững và quy trình đánh giá kết quả thực hiện.
Những nỗ lực cải thiện quản trị và minh bạch của các doanh nghiệp được vinh danh trong VLCA 2024 không chỉ góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty, mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự cam kết mạnh mẽ với các tiêu chuẩn quốc tế về ESG và quản trị công ty là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, gia tăng uy tín, và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó cũng còn khá nhiều điểm chưa tốt mà doanh nghiệp cần cải thiện, đặc biệt là nội dung về “Vai trò các bên hữu quan”. Năm nay, khi bộ tiêu chí QTCT được cập nhật theo hướng đẩy mạnh hơn về áp dụng Thông lệ thì các câu hỏi về công bố tác động môi trường – xã hội thông qua chính sách và thực hành với các bên hữu quan, công bố và thực hành các Bộ quy tắc đạo đức là những nội dung quan trọng, tăng tỷ trọng điểm chấm, và kết quả cho thấy các doanh nghiệp chưa đạt được điểm tốt ở những câu hỏi này.
Nội dung thứ hai cần cải thiện là về “Quyền cổ đông”. Các doanh nghiệp cần cập nhật phương thức tổ chức Đại hội đồng cổ đông, ứng dụng công nghệ hiện đại (họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử,…) để thuận tiện cho cổ đông được tham dự và biểu quyết, đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ.
Ngoài ra, cũng còn ít doanh nghiệp soạn thảo tài liệu ĐHĐCĐ bằng Tiếng Anh. Về Hội đồng quản trị, chưa có nhiều doanh nghiệp công bố thông tin về chính sách cân bằng giới, đa dạng về thành phần và số lượng doanh nghiệp có Chủ tịch hội đồng quản trị là thành viên độc lập cũng còn hạn chế.
Đối với hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững:
Năm 2024, những doanh nghiệp có Báo cáo phát triển bền vững riêng và những doanh nghiệp đăng ký tham gia giải BCTN sẽ được thực hiện đánh giá. Các chỉ tiêu đánh giá có sự thay đổi với mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững toàn diện và minh bạch hơn so với năm 2023, cụ thể như tăng số lượng tiêu chí (46 chỉ tiêu trong năm 2024 so với 44 chỉ tiêu trong năm 2023), tăng thêm 2 chỉ tiêu về sự tham gia của bên liên quan và về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tổng quan về Báo cáo phát triển bền vững năm nay cho thấy sự tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Ngoài việc giữ vững vị trí của các doanh nghiệp quen thuộc, nhiều gương mặt mới được đánh giá cao về cấu trúc báo cáo mặc dù là năm đầu tiên thực hiện.
Số lượng các công ty lập báo cáo PTBV riêng biệt năm nay đã tăng kỷ lục từ 21 lên 33 nối tiếp đà tăng liên tục qua các năm. Đây cũng là mùa báo cáo có số lượng báo cáo PTBV riêng biệt cao nhất và số lượng các báo cáo được vào vòng chung khảo cao nhất trong 12 năm qua. Điều này phản ánh xu hướng công bố thông tin về PTBV ngày càng được coi trọng. Đồng thời, nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững cũng được ghi nhận.
Các tổ chức dịch vụ tài chính luôn đạt được giải cao và áp đảo trong các hạng mục về báo cáo thường niên và quản trị công ty trong các năm trước đây nhưng không phải là đối với báo cáo phát triển bền vững. Trong các năm trước đây, thường chỉ có 2-3 báo cáo trong ngành này được lập riêng biệt, chiếm khoảng 10% tổng số báo cáo. Tuy nhiên, trong mùa báo cáo năm nay, trong số 33 báo cáo PTBV riêng biệt được đánh giá, có đến 10 báo cáo (chiếm gần 30%) được soạn lập bởi các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính gồm 6 báo cáo từ ngân hàng, 2 báo cáo từ bảo hiểm và 2 báo cáo từ các công ty tài chính và chứng khoán.
Các tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục được áp dụng trong Báo cáo Phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài GRI, một số doanh nghiệp đã áp dụng thêm các khung báo cáo khác như CDP, SASB và SDG. Mô hình Ủy ban ESG cũng được áp dụng nhiều hơn so với năm ngoái.
Ngoài ra, vấn đề về đa dạng sinh học cũng bắt đầu được đề cập trong báo cáo của một số doanh nghiệp. Số lượng các công ty đặt mục tiêu về phát thải khí nhà kính và báo cáo ở phạm vi 1 và 2 đã tăng đáng kể. Theo đó, 2/3 các doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo đã công bố dữ liệu về phát thải khí nhà kính.
Điểm trung bình về phát thải khí nhà kính đã tăng so với năm 2023. Đặc biệt có 2 doanh nghiệp là VNM và STK đã đặt mục tiêu phát thải theo SBTi.
Vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần cải thiện, bao gồm: một số doanh nghiệp chưa duy trì được chất lượng báo cáo như các năm trước; một số doanh nghiệp vẫn còn tham chiếu đến chuẩn GRI cũ và đa số chỉ dừng ở cấp độ tham chiếu thay vì tuân thủ; việc áp dụng các khung báo cáo, đặc biệt là khung theo ngành vẫn còn hạn chế; đa số doanh nghiệp thiếu mục tiêu SMART; quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo chưa được nêu rõ và số liệu thiếu sự phân tích, so sánh; phạm vi bảo đảm còn hạn chế khiến thông tin trên báo cáo thiếu độ tin cậy, đặc biệt là rất ít doanh nghiệp có sự đảm bảo độc lập đối với chỉ tiêu phát thải khí nhà kính…
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Chủ tịch Hội đồng bình chọn VLCA 2024, cho biết, Việt Nam hiện đang trên lộ trình cải thiện chất lượng quản trị công ty với mong muốn trở thành một trong 05 quốc gia có hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt nhất khu vực ASEAN. Điều này không chỉ là một mục tiêu, chiến lược quan trọng mà còn là nền tảng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo dựng hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng tài chính quốc tế.
Hướng tới mục tiêu này, VLCA không chỉ dừng lại ở việc bình chọn và vinh danh. Chúng tôi đặt ra mục tiêu nâng tầm vị thế của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến quản trị tiên tiến, khuyến khích sự cam kết của các doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt, góp phần xây dựng một thị trường tài chính vững mạnh. Để làm được điều này chúng tôi kêu gọi một sự chung tay nỗ lực chung với chiến lược tổng thể và sự phối hợp thực hiện từ cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các đối tác trên thị trường để nâng cao chất lượng doanh nghiệp và chất lượng thị trường,” bà Đào nhấn mạnh
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng trong khu vực ASEAN là việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Qua hạng mục quản trị công ty, VLCA tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc quản trị của OECD và các thông lệ tốt nhất từ những thị trường phát triển. Những tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của cổ đông, tăng cường tính minh bạch trong công tác điều hành, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài,” bà Đào nói.
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital; sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả của các đối tác chuyên nghiệp như Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các công ty kiểm toán hàng đầu là PwC, Deloitte, KPMG, EY và sự hỗ trợ thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 02 SGDCK. Kết quả Cuộc bình chọn VLCA 2024 đã khẳng định tính chính xác và khách quan trong quá trình đánh giá.
Năm 2024 là năm thứ 17 Cuộc bình chọn đồng hành cùng TTCK Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết.
14/11/2024Sở GDCK Việt Nam tiếp và làm việc với Đoàn công tác Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Lào (LSCO)
Tiêu đề
Sở GDCK Việt Nam tiếp và làm việc với Đoàn công tác Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Lào (LSCO)
Ngày đăng tin
13:26 14/11/2024
Sáng 13/11/2024, tại trụ sở Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), VNX đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Lào (LSCO). Chuyến làm việc này nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chứng khoán giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN) và LSCO.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tiếp Đoàn công tác LSCO, đại diện VNX có ông Lê Trung Sơn - Thành viên Hội đồng quản trị VNX; bà Trương Thị Thanh Phương - Phó Trưởng ban Chiến lược phát triển VNX.
Phía Đoàn công tác LSCO có ông Viladeth Thongvankham - Vụ trưởng Vụ Giám sát chào bán Chứng khoán ra công chúng; ông Bouchong Kongkham - Vụ trưởng Vụ Giám sát Tổ chức trung gian; ông Keopaseuth khammistry - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường; bà Chittaphone Vandixay - Chuyên viên Vụ Hành chính và Nhân sự.
Tại buổi làm việc, ông Viladeth Thongvankham cảm ơn Lãnh đạo, cán bộ của VNX đã dành thời gian tiếp đón. Ông Viladeth Thongvankham mong muốn sẽ nhận được nhiều thông tin chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó, có thể xây dựng các giải pháp, hướng đúng đắn cho chiến lược phát triển thị trướng chứng khoán Lào trong 10 năm tới.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Keopaseuth khammistry - Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán Lào (LSX) được thành lập từ năm 2010, bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2011. Hiện, LSX có 11 công ty niêm yết, với quy mô vốn hoá thị trường khoảng 23 tỷ LAK, tương đương 14,03% GDP.
Hiện, Ủy ban Chứng khoán Lào đang xây dựng Chiến lược Phát triển thị trường vốn trong 10 năm tới (2025-2035) và tầm nhìn đến 2040. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Lào kỳ vọng tăng cường hợp tác nhiều hơn với các tổ chức quốc tế, trong đó có Việt Nam để đưa kiến thức, bài học kinh nghiệm vào thực tiễn phát triển thị trường.
Ông Lê Trung Sơn (trái) nhận quà lưu niệm của Đoàn công tác LSCO.
Lắng nghe những chia sẻ về định hướng phát triển thị trường chứng khoán Lào, ông Lê Trung Sơn cho rằng, thị trường chứng khoán Lào đã đi qua được một chặng đường gần 15 năm phát triển, tương đồng với giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015. Trong giai đoạn đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tập trung phát triển số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, tạo ra nguồn cung hàng tốt cho thị trường phát triển mạnh mẽ.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, theo ông Sơn, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Lào có thể theo hướng phát triển số lượng công ty niêm yết, từ đó nâng cao năng lực của công ty niêm yết và phát triển các sản phẩm chứng khoán. 
Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tập trung phát triển song song cả số lượng và chất lượng các doanh nghiệp niêm yết, mở rộng quy mô và chất lượng các sản phẩm hàng hoá trên thị trường chứng khoán; đảm bảo sự tham gia đồng bộ của các cầu phần thị trường như: Cơ quan quản lý, các sở giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư, thành viên thị trường... Sau 24 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam có khoảng 1.700 mã cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch, với quy mô vốn hóa thị trường tương đương 69% GDP của năm 2023.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2030. Theo đó, mục tiêu và định hướng chung để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 là kiến tạo một thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập, có số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt 9 triệu tài khoản trong năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tương đương 100% GDP vào năm 2025 và 120% vào năm 2030.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. 
Cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại diện VNX, Đoàn công tác LSCO cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp dựa theo kinh nghiệm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc chia sẻ kinh nghiệm với Lào là một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai nước, đồng thời hỗ trợ Lào xây dựng nền tảng thị trường tài chính vững chắc và minh bạch.
Đồng thời, các thành viên trong Đoàn công tác LSCO đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về thị trường chứng khoán Việt Nam, các giải pháp phát triển định lượng và định tính, cũng như kinh nghiệm quản lý, giám sát của cơ quan quản lý. Đại diện lãnh đạo LSCO cũng khẳng định, những bài học từ quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp Lào khai thác hiệu quả nguồn vốn, thu hút nhà đầu tư và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây không chỉ là sự hợp tác kinh tế, mà còn là biểu hiện của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia.
Hiển thị: 1 - 10 / 112 bản ghi